Quan hệ ngoại giao Nga-Thanh trong những năm 1650 – 1670 Xung đột biên giới Nga – Thanh

Phái đoàn Baykov (1654-1658)

Năm 1654, Fyodor Baykov được đặt làm trưởng sứ mệnh ngoại giao sang nhà Thanh để thiết lập quan hệ ngoại giao và thỏa thuận thương mại. Ông được chỉ thị đi từ Tobolsk đến Trung Quốc bằng con đường ngắn nhất và thuận tiện nhất, không đưa thư của Sa hoàng cho các quan chức mà chỉ đưa cho hoàng đế. Ông cũng được yêu cầu tìm hiểu quan điểm của nhà Thanh về triều đình Nga, cũng như thu thập thông tin về Trung Quốc. Phái đoàn Baykov, bao gồm các thương nhân Nga và Bukharan đi từ Tobolsk, theo sông Irtysh và qua lãnh thổ Mông Cổ đến Bắc Kinh vào tháng 3 năm 1656. Trước đó, Baykov đã phái một người Bukharan, Setkoul Ablin, đến Bắc Kinh, báo tin, thông báo về việc phái đoàn sẽ đến. Nhà Thanh nhầm lẫn Ablin là một sứ mệnh riêng biệt. Vì không mang theo thư của Sa hoàng nên Ablin không được chấp nhận. Tuy nhiên, hoàng đế vẫn ra lệnh chiêu đãi và ban tặng quà. Baikoff đến Bắc Kinh một năm sau, và dù có thư từ Sa hoàng, sứ mệnh thất bại do sự khác biệt giữa các nghi thức cung đình của Trung Quốc và Nga. Và vì không làm theo một số phong tục và nghi thức nên Baykov và phái đoàn bị tạm giữ, không được phép ra khỏi. Cuối cùng, năm 1657, chính quyền nhà Thanh đã hết kiên nhẫn và gửi Baykov trở lại Nga; Baykov về đến Moskva 1 năm sau đó.[58]

Phái đoàn của Perfilev và Ablin (1658-1662) và phái đoàn của Ablin (1668-1672)

Ablin trở về bằng một con đường khác, và không gặp Baykov. Năm 1658, Ablin và Ivan Perfilev được cử sang nhà Thanh với tư cách là người đưa tin, cùng với một bức quốc thư, quà tặng và một lượng tiền cho mục đích thương mại. Họ được chỉ thị mua và trao đổi một số hàng hóa cụ thể ở Trung Quốc. Họ đến Bắc Kinh vào đầu tháng 6 năm 1660, và trao bức thư của Sa hoàng, đề nghị thiết lập quan hệ song phương. Quan chức nhà Thanh đề nghị bác bỏ bức thư do không phù hợp, không sử dụng lịch Trung Quốc và sử dụng sai tước vị. Tuy nhiên, cuối cùng, hoàng đế nhà Thanh vẫn ra lệnh chiêu đãi họ, và nhận quà. Trên đường về, họ đã bị người Mông Cổ cướp, về đến Moskva vào tháng 11 năm 1662. Có thể do chỉ là người đưa tin hoặc rút kinh nghiệm của Baykov, Ablin và Perfilev thực hiện các lễ nghi của Trung Quốc (như khấu đấu) và được đối xử tốt hơn so với Baykov.[59][60]

Ablin lại lên đường đến Trung Quốc vào năm 1668 và được hoàng đế Khang Hy triều kiến. Mối quan tâm của Ablin chủ yếu là thương mại, và ông kiếm được rất nhiều tiền trong khoảng thời gian ở Trung Quốc. Nhà Thanh cũng nhắc tới một nhóm người đào tẩu sang Nga, nộp yasak cho Sa hoàng và yêu cầu Nga trao trả những người này về. Hành trình trở về của Ablin rất dài và mất hơn hai năm, do tình hình bất ổn ở Mông Cổ. Ông đến Tobolsk vào tháng 10 năm 1671 và về tới Moskva vào tháng 2 năm 1672. Sa hoàng hài lòng vớithành công về ngoại giao và tài chính của sứ mệnh này.[61]

Phái đoàn Milovanov (1670)

Năm 1670, nhà Thanh cử người đến Nerchinsk, phản đối sự xâm nhập ở vùng Amur, yêu cầu Nga chấm dứt hành vi vô pháp của người Cossack cũng như yêu cầu dẫn độ Gantimur. Có vẻ như ban đầu người Nga không biết rằng nhà Thanh cai trị Trung Quốc và tin rằng Khang Hy chỉ là một thủ lĩnh bộ lạc địa phương khác. Do đó, Arshinsky, voivode của Nerchinsk, dường như không hiểu rõ tình hình thực tế, đã gửi một Cossack, Milovanov, đến Bắc Kinh kêu gọi hoàng đế nhà Thanh phục tùng, mặc dù các quan chức nhà Thanh có thể dịch sai thông điệp này. Arshinsky giải thích việc không dẫn độ Gantimur là do tuổi già và bệnh tật, cũng như chưa xin ý kiến Sa hoàng. Arshinsky cũng nói rằng nói rằng Sa hoàng đã ra lệnh hạn chế sự vô pháp của những người Cossack, và chỉ thị cho quan chức ở Nerchinsk thắt chặt kiểm soát. Dù vậy, có thể nói cả voivode ở Nerchinsk hay bất kỳ quan chức nào khác đều không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới những người này. Theo lệnh Arshinsky, Milovanov lên đường vào tháng 4 năm 1670, qua Tề Tề Cáp Nhĩ tới Bắc Kinh, và trao bức thư cho các quan chức nhà Thanh. Milovanov và những người đi cùng được cho diện kiến và khấu đấu trước hoàng đế. Sau đó, Khang Hy cho phép phái đoàn đi xung quanh Bắc Kinh, với lính canh đi theo. Họ nhân cơ hội này để thu thập thông tin về Trung Quốc, đặc biệt là tình hình thương mại. 5 tuần sau, họ được hộ tống trở lại Nerchinsk và mang theo thư của hoàng đế, yêu cầu người Cossack ngừng tấn công người bản địa, cũng như quà cho Arshinsky. Năm sau, 1671, Khang Hy gửi một bức thư cho Sa hoàng, hứa hẹn sự hòa bình để đổi lấy Gantimur. Bức thư bằng tiếng Mãn Châu, và có vẻ như người Nga không thể đọc và trả lời được. Việc không có hồi âm xúc phạm đến hoàng đế, cũng như gây ra nhiều rắc rối cho các sứ mệnh sau này.[62]

Phái đoàn Spathari (1675–1678)

Năm 1675, Nga cử Nikolai Spathari đi thiết lập quan hệ thương mại và ngoại giao chính thức, với lệnh phải giữ danh dự cho Sa hoàng. Spafari khởi hành từ Moskva vào tháng 3 năm 1675, và đến Nerchinsk vào tháng 12 cùng năm. Trước đó, khi đến vùng Yenisei, ông cử Ignatiy Milovanov đi trước để báo tin. Từ Nerchinsk, phái bộ đến Tề Tề Cáp Nhĩ vào tháng 1 năm sau, và được đón tiếp bởi các quan chức Trung Quốc. Spathari sau đó dựng trại ở sông Nộn, chờ tin tức từ Milovanov. Milovanov gặp Spathari vào ngày 18 tháng 2. Tướng Mala của nhà Thanh tới vào ngày 26 tháng 2, nói rằng mình đã được phái đến lấy thư của Sa hoàng, và kiểm tra bên trong, và hỏi về những vấn đề khác, đặc biệt là liên quan đến Gantimur. Spathari từ chối trên cơ sở bình đẳng hai quốc gia, cho rằng bức thư chỉ có thể được trình lên hoàng đế. Về vấn đề Gantimur, Spathari cho rằng Sa hoàng không biết gì về nội dung bức thư do không biết ngôn ngữ. Mala không tin vào điều này và nghi ngờ sự chân thành của Nga. Cuộc tranh luận kéo dài một tháng; hai bên thỏa hiệp, Spathari cho Mala biết nội dung bức thư. Mala sau đó hộ tống phái đoàn, đến Bắc Kinh vào giữa tháng 5. Trong nhiều tuần tiếp theo, hai bên lại xung đột về vấn đề nghi lễ triều đình nhà Thanh. Cuối cùng, Spathari được hoàng đế triệu kiến và cho phép buôn bán, dù chỉ được trưng bày hàng hóa trong một khu nhất định được lính canh gác nghiêm ngặt, và không được đi xung quanh, vì phái đoàn không đến với tư cách thương nhân. Trong quá trình đàm phán, Trung Quốc ra điều kiện rằng không có quan hệ ngoại giao cho đến khi Nga trao trả Gantimur và chấm dứt sự xâm nhập vào vùng Amur. Theo Stateinyi Spisok (ghi chép của phái đoàn ngoại giao), vấn đề về Gantimur được nhắc đến rất nhiều lần, trong khi không nhắc đến yêu cầu phân định biên giới, cho thấy rằng việc đảm bảo lòng trung thành của các bộ lạc là mối quan tâm hàng đầu của người Mãn Châu. Spafari cũng biết được ý định của người Mãn muốn tấn công người Nga ở Albazin và Nerchinsk thông qua những người phiên dịch. Trong những ngày tiếp theo, tranh cãi lại nổ ra khi Spathari một lần nữa cố gắng giành vị trí ngang bằng cho Sa hoàng. Vào tháng 9, hoàng đế nhà Thanh ra lệnh cho phái đoàn rời Bắc Kinh. Trên đường trở về Nerchinsk, Spafari và các quan chức nhà Thanh đạt được một thỏa thuận cùng nhau gìn giữ hòa bình trên biên giới. Spathari cũng ra lệnh cho người Nga ở trong vùng không được xuống vùng hạ lưu sông Amur và Zeya cũng như không thu cống phẩm từ người Tungus, nhưng điều này có lẽ đã bị bỏ qua. Phái đoàn về đến Moskva đầu năm 1678.[63]

Bất chấp các yêu cầu của người Mãn Châu, Nga vẫn từ chối trao trả Gantimur để đổi lấy hòa bình. Trước hết, Spathari biết được từ các nhà truyền giáo rằng Gantimur nắm giữ chìa khóa cho lòng trung thành của các bộ tộc đã cống nạp cho Nga. Từ bỏ những lời hứa bảo vệ Gantimur có thể đồng nghĩa với việc Lopsodeiko và các thủ lĩnh người Buriat và Daur khác sẽ trốn sang nhà Thanh. Bởi vậy, vào năm 1676, Spathari gửi một báo cáo về Moskva khuyến cáo mạnh mẽ rằng không nên trao trả Gantimur. Bên cạnh đó, người Nga không nhận thức đầy đủ về sức mạnh của quân đội Mãn Châu, và do đó không tin vào nguy cơ đối đầu vũ trang. Kiến thức của Spathari về hải quân nhà Thanh bắt nguồn từ người Mông Cổ và các tu sĩ Dòng Tên. Mặc dù Nerchinsk đã nhận được rất nhiều báo cáo về việc nhà Thanh xây dựng liên minh giữa các bộ lạc Khalkha, người đứng đầu Nerchinsk cho rằng rằng nhà Thanh sẽ không thành công trong việc tập hợp quân Mông Cổ chống lại Nga. Các tu sĩ Dòng Tên cũng cung cấp cho người Nga thông tin về những điểm yếu cũng như công nghệ quân sự yếu kém của quân đội Mãn Châu và phong trào phản Thanh trong Loạn Tam phiên đe dọa sự cai trị của người Mãn Châu.[64]